ĐÀN ÁP BIỂU TÌNH CHỐNG NGOẠI XÂM

Biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng

Biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng

Các cuộc biểu tình hàng ngàn người chống Trung Cộng xân lăng tại Sài Gòn và Hà Nội khởi đầu ngày 5-6-2011 và được tiếp nối bằng hàng chục vụ biểu tình diễn ra trong vài tháng sau đó đã gây chấn động cả thế giới, đặc biệt là đối với người dân Việt Nam trên khắp năm châu.

Các thành phần tham gia biểu tình chống Tàu Cộng xâm chiếm biển đảo bao gồm đủ mọi tầng lớp trong xã hội: trí thức, sinh viên, bloggers, nhà báo, nhạc sĩ, văn sĩ, cựu chiến binh…

Nhà cầm quyền CSVN vì muốn làm hài lòng Thiên Triều Bắc Kinh đã không ngần ngại đàn áp các cuộc biểu tình yêu nước này một cách không nương tay.  Những pha cướp nón lá, đạp vào mặt người biểu tình, giả dạng côn cồ bắt cóc người biểu tình, bỏ tù các bloggers, dùng truyền thông để phỉ báng, bôi nhọ, chụp mủ, vu khống người biểu tình… là những gì thế giới đang chứng kiến tại Việt Nam.

Người dân trong nước bắt đầu hiểu rõ ai đã cướp đi quyền sống và quyền làm người của họ.  Những quyền công dân được quy định trong Hiến Pháp CSVN 1992 chỉ là những cái bánh vẽ không hơn không kém.  Ngay cả quyền yêu nước cũng bị chà đạp một cách trắng trợn và hèn hạ như thế thì làm gì có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình..?  Trong bài viết “Mười hai lần ấy biết bao nhiêu tình“, Nguyễn Thị Quảng Bình đã không ngần ngại nhận xét:

“Chỉ cần đọc một số tựa đề các bài thơ, bài viết ta đã thấy chẳng hạn như: Tôi yêu tổ quốc tôi mà bị bắt của nhà văn Trần mạnh Hảo. Yêu nước mà phải yêu chui của Nguyễn thị Thanh Bình. Đi về đâu để yêu nước của Huệ Tâm. Yêu nước như một cuộc đấu vật của Phan Nguyễn Việt Đăng và nhiều nữa. Nhưng bài cảm động nhất là của Kim Anh với câu thơ Kiều cải biên: Chút lòng yêu nước từ sau … xin chừa.”

Có lẽ hầu hết những người Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu, thuộc bất cứ thành phần xã hội nào, cũng rất đồng ý với kết luận của Nguyễn Thị Quảng Bình về hành động điên dại của nhà cầm quyền Hà Nội: “Đó là sự đồng lõa với giặc ngay tại quê hương mình, quyết tâm trấn áp người yêu nước bằng thủ đoạn đê hèn nhằm dâng nốt biển đảo Tổ Quốc cho giặc.”

Khi một chánh quyền hành động như thế, lịch sử Việt Nam gọi là chính quyền thực dân.  Những kẻ lãnh đạo trong chánh quyền đó gọi là Thái Thú.  Miệng họ luôn hồ hào độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, dân quyền… nhưng lòng họ thì trung thành với kẻ cướp nước, xem dân như kẻ thù muốn vạch trần bộ mặt xảo trá của họ.

Nhóm Thiện Chí

Leave a comment