Văn hoá thi ca, văn hoá thi hót

Hàn Lệ Nhân

. “Con yêu ơi, hãy coi chừng những lời nịnh hót: Càng nhiều đường càng dễ hư răng.” (Bà hầu tước De Sévigné)

Văn hóa thi ca, văn hóa thi hót

Văn hóa thi ca, văn hóa thi hót

Lữ Bất Vi là một lái buôn giàu có tại nước Tần, mưu định cấy người họ Lữ vào vương tộc họ Doanh nhà Tần bằng cách đem hầu thiếp là ca kỹ đẹp người, múa giỏi tên Triệu Cơ, đang có mang hai tháng, tặng cho Dị Nhân, con giữa của An Quốc Quân và thứ thất Hạ Cơ phu nhân, thời Dị Nhân bị đưa qua nước Triệu làm con tin. Dị Nhân đinh ninh đứa bé trong bụng Triệu Cơ là máu mủ của mình. Triệu Cơ ở lại nước Triệu. Dị Nhân về nước Tần. Qua tài thương thuyết của Lữ Bất Vi, Dị Nhân được chánh thất Hoa Dương phu nhân nhận làm con nuôi, đổi tên là Tử Sở. Tử Sở được An Quốc Quân nâng lên làm con đích tự, khắc dấu ngọc làm bằng, hứa sẽ chọn làm thái tử một khi ông được lên ngôi. Triệu Cơ sinh ra Triệu Chính tại đất Triệu.

Mười năm sau, Tử Sở lên ngôi, lấy vương hiệu là Tần Trang Tương Vương, phong Lữ Bất Vi làm thừa tướng, cho đón mẹ con Triệu Cơ trở về Tần. Triệu Cơ được sắc phong làm hoàng hậu, Triệu Chính thành thái tử Doanh Chính.

Tần Trang Tương Vương làm vua được 3 năm thì qua đời. Doanh Chính nối ngôi ở tuổi 13, xưng vương hiệu là Tần Thủy Hoàng Đế, phong thừa tướng Lữ Bất Vi làm trọng phụ, Triệu Cơ thành Hoàng Thái Hậu. Vị chi Lữ Bất Vi đã thành công trong âm mưu biến vương tộc họ Doanh nhà Tần thành ra họ Lữ. Lữ Bất Vi có tài trị quốc, song song là tật kiêu ngạo, chuyên quyền, ức chế người người, đặc biệt ức chế thiếu đế Tần Hoàng Chính.

Lữ Bất Vi cho biên soạn ra bộ sách Lữ Thị Xuân Thu, áp dụng vào việc điều hành đất nước. 3.000 xá nhân, kẻ sĩ trong phủ đều khen là tuyệt phẩm. Lữ Bất Vi cho bày sách Lữ Thị Xuân Thu ở cửa thành Hàm Dương, treo giải là ai thêm, bớt được một chữ trong Lữ Thị Xuân Thu sẽ được thưởng 1.000 lượng vàng; trong hai tháng trời không có ai tỏ thái độ, do đó càng cuồng ngạo.[1]

Tần Thủy Hoàng lớn lên trong cấm cung, lén đọc được Lã Thị Xuân Thu. Cho đến một buổi tiệc có mặt Lữ Bất Vi và đông đủ bá quan văn võ, Tần Thủy Hoàng ra mặt chống lại cha ruột, thừa tướng trọng phụ Lữ Bất Vi, công khai chỉ trích Lữ Thị Xuân Thu, đại để như sau:

Trụ vương có một nàng sủng phi xinh đẹp, kiêu căng và rất hiểm ác, coi thường các đại thần trong triều; hãm hại bất kỳ ai làm nàng phật ý. Một lần nàng sinh được một đứa con, chẳng may dung mạo đứa bé lại khác hẳn người sinh ra nó, tức người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm. Nàng sợ thiên hạ nói con nàng xấu xí nên triệu bá quan lớn nhỏ vô coi đứa bé. Sau khi các quan coi xong, nàng hỏi: Đứa bé có đẹp không? Các quan đồng loạt xum xoe kẻ thi ca, người thi hót:

– Đứa bé rất đẹp !
Kể tới đây, Tần Thủy Hoàng quay sang đặt câu hỏi với bá quan:

– Chư khanh có biết tại sao không ai dám nói thật không?

Rồi tự trả lời:
– Tại vì bá quan văn võ sợ chết, sợ bị bêu đầu ! [2]

1.

Trong Tuyển Tập Hoài Thanh, cuốn 1, nxb Văn Học – Hà Nội 1982, có 19 bài phê bình văn học Việt Nam, chia thành: Sáu bài viết về đại-văn-tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sáu bài dành cho đại-thi-tài của phó thủ tướng Tố Hữu Nguyễn Kim Thành; một cho thi-nhân Sóng Hồng tức nguyên TBT Trường Chinh Đặng Xuân Khu; một cho thi-sĩ Xuân Thủy, nguyên Bí Thư Trung Ương ĐCSVN, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, trưởng phái đoàn hoà đàm Paris. Tóm lại, trong số 19 bài phê bình, chỉ có vỏn vẹn 14 bài dành cho 4 lãnh tụ đảng và nhà nước.

Về thơ chúc Tết của nhà-thơ-lớn-của-dân-tộc Hồ Chí Minh:

Mừng nǎm mới, mừng xuân mới,
Mừng Việt Nam, mừng thế giới!
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh,
Kế hoạch 5 nǎm thêm phấn khởi.
Chúc miền Bắc hǎng hái thi đua;
Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!
Chúc hoà bình thống nhất thành công!
Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!

(Xuân Tân Sửu – 1961)Hoài Thanh, tác giả cuốn Thi Nhân Việt Nam-1941 lừng danh, đã thi ca:

“Những câu thơ chúc Tết của Bác nhiều khi chỉ là lời nói thường, nhưng rõ ràng không thể xem những lời ấy như bất kỳ lời nói thường nào. Ở đây không chỉ có vấn đề lời nói mà còn vấn đề người nói. Đằng sau lời nói có một con người vô song, một cuộc đời vô song, có cái sáng suốt, cái kiên gan của một chính đảng Mác-Lênin đã được tôi rèn trong chiến đấu, có ý chí sức mạnh của một dân tộc anh hùng, có cả những ý tưởng cao đẹp nhất của hàng trăm triệu người trên thế giới. Do đó, mà từng chữ, từng câu dầu bình thường thôi vẫn có một sức nặng khác thường trong lời thơ Bác”. (trang 106).

Về bài thơ trên, Nguyễn Hưng Quốc nghễnh ngãng nghe ra âm giai, tiết tấu khác:

“Chỉ mấy câu chúc Tết ngây ngô của Hồ Chí Minh mà Hoài Thanh còn tán ra om sòm và khen ngợi nức nở như vậy thì ai cũng hiểu khi Hồ Chí Minh làm được vài bài thơ hơi hơi có vần, hẳn Hoài Thanh sẽ sụp xuống mà lạy, coi “bác” còn hơn Nguyễn Du. Thảm. Trong sự sai lầm về phương pháp phê bình, còn có sự sa đoạ về nhân cách.” (Văn Học VN dưới chế độ cộng sản, trang 303, nxb Văn Nghệ, USA 1991).

Tập ký bằng thơ Nhật Ký Trong Tù [3] có bài «Người Bạn Tù Thổi Sáo» («Nạn hữu xuy địch»):

Hán văn:

Ngục trung hốt thinh tư hương khúc,
Thanh chuyển thê lương, điệu chuyển sầu;
Thiên lý quan hà vô hạn cảm,
Khuê nhân cánh thượng nhất tằng lâu.

Việt ngữ:

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu;
Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi,
Lên lầu, ai đó ngóng trông nhau.

(HCM: NKTT, trang 36, nxb Văn Hoá
thuộc Viện Văn Học, Hà Nội, 1960)Đặng Thai Mai thi ca: «Chỉ bốn câu thôi. Nhưng thật sự là một vở kịch, một vở kịch một màn. Một anh tù chơi sáo. Âm điệu véo von, sầu não. Một thính giả, người cùng hội cùng thuyền. Hiểu nhau nhiều, cám cảnh vô vàn vì nỗi nhớ nhung đất nước “ngàn dặm quan hà”. Và cách tường một người khuê phụ đang dạn bước lên lầu trên để nghe cho thấu triệt hơn. Một ống sáo, một bản nhạc. Ba nhân vật xa lạ ở ba vị trí, ba cảnh ngộ, trong ba tư thế. Tuy vậy giờ này một tiếng tre đã tập hợp họ lại trong một niềm thông cảm véo von da diết» (Trên đường học tập và nghiên cứu, tập 3, trang 56 – nxb Văn Học, Hà Nội 1970).

Hoàng Trung Thông thi hót: «Nghe một người tù thổi sáo diễn tả nỗi lòng nhớ quê hương trong một âm điệu thê lương, Bác lại cảm thấy am điệu thê lương ấy chính đang rung lên trong nỗi lòng nhớ nước da diết của mình, và “muôn dặm quan hà khôn nỗi xiết”. Muốn lên cao để nhìn thấy quê hương mà quê hương nào có thấy.» («Bác Hồ làm thơ và thơ của Bác», báo Văn Nghệ số 667).

Hà Minh Đức vừa thi ca:

«Khúc nhạc tư hương của người bạn tù cũng gợi lên ở Bác tấm lòng yêu nước, và câu thơ “muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi” vừa đúng với cảnh ngộ của hai người và có thể cả người thứ ba ở chốn xa xôi. Rồi hình ảnh người thứ ba là ai? Trong mạch tình cảm nhân aí thì “khuê nhân” có thể hình dung là vợ của…người bạn tù, nhưng nếu xét cả trên mạch tình cảm yêu nước, thì khuê nhân có nghĩa rộng ra như là hình tượng của người nhớ mong trông ngóng: Vợ trông đợi chồng, nhân dân trong nước chờ mong người cán bộ cách mạng.» (CT-HCM, nhà thơ lớn của dân tộc, sđd trang 23);

vừa thi hót:

«Thơ của Hồ chủ tịch là giá trị tinh thần lớn lao của dân tộc và là hoa thơm, lộc quý của mọi nhà… Hồn thơ vĩ đại này lại thuộc về người anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc từ trước tới nay.» (sđd, trang 5 & 6).

Thảo nào Hoài Thanh rất khách quan khi nhận xét rằng «Thơ Bác càng nghe, càng đọc, càng hay. Nhưng không một ai có thể tự hào đã thấy hết cái hay, đã hình dung hết tầm cao và chiều sâu trong thế giới thơ của Bác». [3]

Hèn chi Xuân Diệu lại chẳng vô tư có cùng một ý nghĩ tương tự: «Có những câu có thể coi là quá giản dị, nhưng tại sao tôi đọc đi đọc lại vẫn cứ thấy một cái gì trong đó mà mình rút chưa hết» [4]

Và cũng là lẽ tất nhiên khi Tố Hữu viết «Gọi Bác là “nhà thơ lỗi lạc” nghe cứ thế nào ấy, nhưng đó lại là đúng… Nhật Ký Trong Tù thực là tập thơ lớn.» [5]

2.

Sóng Hồng tức TBT Trường Chinh Đặng Xuân Khu,”vị lãnh tụ xuất sắc và nhà văn hoá lớn của dân tộc” [6] có bài thơ:

Cách thềm măng mọc lô nhô
Giáo gươm du kích trước giờ xuất quân
Tiếng còi giục giã chiều xuân
Lệnh đâu tập họp như gần như xa
Mùa hè suối cuốn bên nhà
Ầm ầm binh mã xông ra chiến trường
Thu sang lá rụng đồi sương
Tiễn đưa chiến sĩ lên đường lập công
Đêm đông lần lữa bên song
Mải mê đọc sách đèn chong canh tàn
…Và được lý-luận-phê-bình-gia Vũ Đức Phúc (bí danh Nguyễn Hồng Kỳ) thi hót:

«Từ Nguyễn Du trở đi, chúng ta đã thấy nhiều nhà thơ làm thơ lục bát rất hay, mỗi người mỗi phong cách, chứng tỏ thơ lục bát của ta là “thiên biến, vạn biến”, các nhà thơ hiện đại như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu đều mỗi người có một phong cách thơ lục bát riêng rất hay. Tố Hữu viết nhiều bài thơ hùng hồn, nhưng phong cách lục bát của anh là đằm thắm, đậy tình cảm. Phải đến Sóng Thần thì chúng ta mới thấy lục bát hùng hồn, bừng bừng như núi lửa, rất mới lạ. Nhiệt tình cách mạng sôi nổi, ý chí gang thép và lòng tin vững chắc của nhà thơ là những nhân tố chính khiến cho Sóng Hồng sáng tác được nhiều bài thơ cách mạng có sức lôi cuốn mạnh mẽ người đọc, trước hết là nhiều bài thơ lục bát. Tinh thần chiến đấu cao cả của nhà thơ chi phối cả những hình ảnh thơ ca dưới ngọn bút Sóng Hồng một cách tự nhiên.» ( Nhà Thơ VN, nhiều tác giả, nxb Văn Học – Hà Nội 1984, trang 15).

Nguyễn Hưng Quốc, thêm một lần, có lối thẩm âm khác đối với bài thơ trên:

« Không có bất cứ câu nào trong bài thơ trên mà lại không lổn nhổn sáo ngữ. Cả bài thơ là tập họp những câu, chữ, những tình, ý cũ mèm. Người sáng tác ra bài thơ ấy là một kẻ bất tài. Người huênh hoang tán dương bài thơ ấy không những có khiếu thẩm mỹ kém cỏi mà lại còn có tư cách rất đáng tội nghiệp.» (sđd, trang 304).

Vũ Thư Hiên viết : “Trong các cuốn Văn Tuyển người ta đưa cả thơ Sóng Hồng vào, có những bài chỉ trên mức vè thôn xóm một chút, chỉ vì nhà thơ Sóng Hồng chính là ông Trường Chinh đáng kính. (Đêm giữa ban ngày, trang 328, nxb Thiện Chí, Liên Bang Đức, 1997).

– Cái cực hay của các lý-luận-phê-bình-gia-công-chức là duy ý chí vắt cho ra cái không có trong tác phẩm và làm thế nào cho cái không có hoá ra có, khít khao với những “tính”, những công thức đã được tiền chế trong đầu trước khi đọc tác phẩm.

– Tao không hiểu mày nói gì?

– Nghĩa là thi ca, thi hót qua tác giả, chứ không qua tác phẩm. Nói cách khác, “khi tán tụng, không cần phải dè dặt, không cần phải giới hạn, vì chẳng bao giờ người ta đi quá lố đâu” (Michel Audiard).

– Mày nói rõ chút nữa đi.

– Giả dụ những câu “thơ” nêu trên, ở dưới ký một cái tên khác thì nó có được ca, được hót tợn thế không?

– ! ! !

– Bố khỉ, mày tổ sính nói chuyện “ý tại ngôn ngoại” trong văn hoá mà nỡ bắt tao “hiện thực” thì còn đếch gì là văn chương nữa ! Động não tí đi con.

– Mày làm khó tao,vậy tao động não theo lối của tao, như thế nầy:

“Giuộc ông tôn ông là Vladimir Maïakovski nội hoá. Cả nước biết đến ông nhờ ông giàu thi hứng nâng và đỡ bề dưới của bề trên. Một hôm, ngồi ngâm lại bài thơ Đường Sang Nước Bạn [7] của ông cho bề trên nghe. Chẳng hiểu vì vô tình hay cố ý, bề trên thí vãi ra một cái bũm. Maïa nội hoá nắc nỏm khen:

– Chà, chà … cái rắm hôm ni răng mà thơm lọa rứa !

Bề trên sụ mặt, không vui :

– Tôi nghe nói, người ta ăn cao lương mỹ vị vào, có tiêu hoá thì mới tốt. Mà tiêu hoá đều theo lẽ rắm phải thối. Vậy mà bây giờ rắm tôi lại thơm, có phải là điều bất tường không ?

Tức thời Maïa nội hoá cong bàn tay lại, vớt không khí một cái, đưa lên ngửi, xít xoa :

– Chu choa, bây chừ nó lại thúi rồi tề. Cái rắm của bề trên kể cũng hơn người, loạ hí !» [8]

– Động não kiểu mày gợi cho tao nhớ “tích” này:

«Một hôm tôi hỏi Chế Lan Viên:

– Này, anh Chế, theo anh, thơ và từ của Mao Trạch Đông có hay lắm không mà thiên hạ tán tụng om sòm đến thế?

Chế Lan Viên cưới hức hức:

– Thơ phú gì cái thằng cha ấy?! Vũ Thư Hiên thấy hay à ? Anh bao giờ cũng gọi tôi đủ tên họ.

– Thơ phú là chuyện tôi mù tịt, mới phải hỏi anh.

Chế Lan Viên hạ một câu xanh rờn:

– Làm đến hoàng đế nước Tàu rồi thì cục cứt của hắn thiên hạ cũng khen tuốt.

Tôi ngẩn người. Chẳng lẽ đó là tác giả của hai câu thơ ca ngợi hai lãnh tụ vĩ đại:

“Bác Mao không ở đâu xa,
“Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao !” ?»
(Vũ Thư Hiên: sđd, trang 325)

– Nãy giờ, chúng mình chỉ tào lao thiên địa chuyện nhiều người bợ một người. Tao hỏi mày, trên cõi phàm này, có hay chăng phép mầu tự bợ như tụi kiếm khách, hiệp sĩ luyện khinh công, luyện phi thân trong truyện chưởng ?

– Người phàm làm thế nào mà có được phép mầu ?

– Tao đồng ý là theo lẽ phàm thì không thể, nhưng bằng chữ nghĩa thì được chứ sao không !

– Mày muốn nói đến trường hợp trên Internet, một người tạo ra nhiều nicknames, chẳng hạn người đó dùng nick A đăng một bài chi đó, rồi lại đẻ ra nick B, nick C… để ca, để hót bài của nick A ?

– Internet là mới đây thôi, còn trễ tàu. Chứ hơn nửa thế kỷ trước có nơi đã xuất hiện “phép mầu” đó rồi.

– Thôi đi bố, đừng dựng chuyện…

– Này nha:

«Dưới a tỳ có một con ma mù, bù lại ma mù này có khiếu đặc biệt là chỉ cần ngửi văn mà biết được văn hay hay văn dở, thậm chí nói ra luôn tên tác giả. Một con ma nọ, hồi mới xuống, không tin dư luận nên muốn thử tài ma mù, đưa một bộ sách ra hỏi. Con ma mù cầm đưa lên ngửi, đáp :

– Hồng Lâu Mộng !
– Sao biết ?
– Ngửi có mùi xác thịt.
Con ma sáng đưa tiếp một cuốn khác. Ma mù lại đưa lên ngửi, đáp :
– Chiến Tranh và Hoà Bình !
– Sao biết ?
– Vì có mùi bom đạn.
Ma sáng ma mãnh đưa cùng lúc hai cuốn khác. Không cần ngửi, con ma mù trả lời liền:
Vừa Đi Đường Vừa KểNhững Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động của
– Sao chưa ngửi mà biết ?
– Vì thum thủm mùi tự nâng bi ! Và chính ông là tác giả ! [9]

– Sao biết ?
– Văn và Người có cùng một mùi hợm hĩnh !» [8]

Hàn Lệ Nhân
(Tản mạn qua đêm 20)
Nguồn: e-ThôngLuận

Ghi chú:

[1] Theo Sử ký Tư Mã Thiên, bản dịch Nhượng Tống, trang 297 – nxb Tân Việt, Sàigòn 1963.
[2] Theo phim Tần Thủy Hoàng, DVD số 4/20, 1988. Sủng phi này là Tô Đắt Kỷ, vốn là giống hồ ly hiện hình (theo sách Phong Thần, bản dịch của Tô Chẩn, nxb Tín Đức Thư Xã – Sàigòn 1961).
[3] Tập Nhật Ký Trong Tù của HCM, gồm 114 bài thơ chữ Hán + bản dịch ra chữ Việt, 252 trang, nxb Văn Hoá thuộc Viện Văn Học – Hà Nội 1960, nếu truy nguồn gốc “cổ thi Trung Quốc” mà tác giả “mượn nhưng quên nói” trong đó và ghi hết ra đây e phải tản mạn thêm dăm bài khác, ở đây chỉ xin đơn cử hai trùng hợp lạ lùng:

a/ Bài «Khai Quyển» (Mở đầu tập nhật ký), trang 13:

Lão phu nguyên bất ái ngâm thi
Nhân vị tù trung vô sở vi
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật
Thả ngâm thả đãi tự do thì.

Việt ngữ:

Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây?
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.

Câu đầu “lão phu nguyên bất ái ngâm thi” vốn là của Thiệu Nghiêu Phu, đời Tống bên Trung Quốc.

b/ Bài “Nạn Hữu Chi Thê Thám Giam” (Vợ người bạn tù đến thăm chồng), trang 72:

Quân tại thiết song lý
Thiếp tại thiết song tiền
Tương cận tại chỉ xích
Tương cách tự thiên uyên.

Việt ngữ:

Anh đứng trong cửa sắt
Em đứng ngoài cửa sắt
Gần nhau trong tấc gang
Mà biển trời cách mặt.
Bốn câu trong bài này vốn “mượn” từ bốn câu cuối trong bài Tương Giang (Sông Tương):

Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ,
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.

Dịch nghĩa:

Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương,
Nhớ nhau mà chẳng thấy,
Cùng uống nước sông Tương.
Sách Tình Sử thời nhà Châu bên Tàu chép: Nàng Lương Ý yêu chàng Lý Sinh, sau phải xa nhau, xúc cảm làm thành bài Tương Giang. Trong Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, câu 365-366:

Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.
(Bùi Khánh Diễn: Kim Vân Kiều, trang 58, nxb Sống Mới – Sàigòn 1971, và bản hiệu khảo Truyện Thuý Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, nxb Vĩnh Hưng Long thư quán, Hà Nội 1925, cũng ghi tương tự). v.v và v.v. Thôi, đành tạm bằng lòng với câu phát biểu để đời của nữ ca nhạc sĩ Phương Uyên: “Copy là học tập lẫn nhau”, chứ biết làm sao bây giờ ! (theo VietNamNet Tuổi trẻ Online)
[4] Hà Minh Đức: CT-HCM, nhà thơ lớn của dân tộc, trang 23 – nxb KHXH, Hà Nội 1979.
[5] Tố Hữu: “Những bài học lớn trong thơ Bác”, báo Văn Học số 95, ngày 20/05/1960.
[6] Lê Hoài Nam: “Làng Hành Thiện” (báo Văn Nghệ)
[7] Toàn văn bài “Đường Sang Nước Bạn » ; xem thêm: “Cũng những thằng nịnh hót” (Hữu Loan)
[8] HLN: “Cười Xả Hơi Cả Nước”.
[9] Hà Minh Đức: Những tác phẩm văn của chủ tịch Hồ Chí Minh, nxb Khoa Học Xã Hội – Hà Nội 1985, trang 132 ghi: “Đáp lại tình cảm của đồng bào và bè bạn trên thế giới, Hồ chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm “Những mẩu chuyện…”. Ghi thêm: Trong Từ Điển Bách Khoa VN, tập 4 – 2005, ở vần T (trang 21-734), không có tên T. Lan & Trần Dân Tiên.

Leave a comment